TỔNG HỢP TIN TỨC THÁNG 3.2023
Xuất khẩu của Việt Nam sang một số thị trường khu vực ASEAN bật tăng
Xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường khu vực ASEAN như Thái Lan, Singapore bật tăng.
Với dân số trên 650 triệu người, quy mô GDP khoảng 3.000 tỷ USD, đứng thứ 5 thế giới, có vị trí thuận lợi trong kết nối với Việt Nam, ASEAN là thị trường nhiều tiềm năng và dư địa cho các sản phẩm xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam.
Trong quan hệ thương mại với khu vực thị trường ASEAN, Việt Nam có nhiều lợi thế như: Khoảng cách địa lý gần, thị hiếu, văn hóa có nhiều điểm tương đồng.
Việt Nam đang có nhiều cơ hội mở rộng xuất khẩu mặt hàng nông sản, thực phẩm sang các thị trường trong khối ASEAN.
Nguồn: cafef.vn
Kim ngạch xuất khẩu sang Thái Lan và Singapore tăng cao. Nguồn hình ảnh: baochinhphu.vn
Hơn 50 doanh nghiệp Mỹ sắp đến Việt Nam tìm cơ hội đầu tư
Đại diện của hơn 50 doanh nghiệp Mỹ, trong đó có các công ty quốc phòng, dược phẩm và công nghệ, sẽ sang Việt Nam từ ngày 21-23/3 để thảo luận về các cơ hội đầu tư và kinh doanh theo chương trình hàng năm do Hội đồng Kinh doanh Mỹ-ASEAN tổ chức.
Trong số các doanh nghiệp Mỹ tham gia chuyến đi có công ty cung cấp dịch vụ xem phim trực tuyến Netflix, công ty đang có kế hoạch mở văn phòng tại Việt Nam, cùng nhiều công ty đã có hoạt động kinh doanh hoặc sản xuất tại Việt Nam như Apple, Coca-Cola, PepsiCo... và đang có kế hoạch mở rộng hoạt động tại thị trường Việt Nam. Trong số này có SpaceX, công ty đang tìm kiếm thị trường dịch vụ Internet vệ tinh tại Việt Nam và các nước trong khu vực.
Một số công ty đánh giá Việt Nam là một trung tâm sản xuất và cung cấp dịch vụ cho người tiêu dùng ngày càng phát triển với mức tăng trưởng kinh tế đạt hơn 8% năm 2022.
Nguồn: cafef.vn
50 doanh nghiệp Mỹ trao đổi tại Việt Nam. Nguồn hình ảnh: plo.vn
Tháo gỡ rào cản hành chính, “thông đường” cho xuất khẩu
Tại Hội nghị đối thoại “Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu khu vực 4 tỉnh, thành phố (Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên)” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, nhiều doanh nghiệp đã nói lên những rào cản trong việc tuân thủ các thủ tục hành chính xuất nhập khẩu khiến doanh nghiệp mất đi rất nhiều cơ hội kinh doanh.
Các thủ tục hành chính còn nhiều điểm chưa có sự thống nhất đồng bộ giữa các bộ ngành, cơ quan. Dịch vụ logistics chưa có chuỗi toàn diện như cảng biển, kho tàng, bến bãi nên còn phức tạp, chưa đầy đủ, chưa đồng bộ, hàng phải bảo quản lạnh chưa có chỗ chứa ở khu vực cảng. chi phí cho lao động tại cảng, giao thông nội địa cao gần gấp đôi so với chi phí cảng biển. Lãi suất vay tăng cao, tỷ giá biến động trong biên độ cao.
Để hoạt động thương mại xuyên biên giới thuận lợi và giúp các doanh nghiệp xuất nhập khẩu giảm thiểu khó khăn, đại diện doanh nghiệp tỉnh Hải Dương kiến nghị các bộ ngành thống nhất hướng dẫn quy định để doanh nghiệp xuất nhập khẩu thực sự chỉ qua một cửa.
Đồng thời rút gọn hơn nữa thời gian kiểm tra thông quan, kiểm tra chuyên ngành, xem xét bổ sung các quy định theo các cam kết FTA. Tiếp tục cải cách hành chính để giảm thiểu thủ tục hành chính xuất nhập khẩu, đặc biệt là những giấy phép điều kiện không thực sự cần thiết.
Nguồn: vneconomy.vn
Dự kiến trao quyền cho địa phương quản lý các tuyến đường thủy nội địa quốc gia ngay trong năm 2023
Bộ Giao thông vận tải đang xây dựng, hoàn thiện thông tư phân cấp cho từng địa phương quản lý, bảo trì các tuyến đường thủy nội địa quốc gia, dự kiến sẽ ban hành trong năm 2023. Trước đây, Bộ Giao thông vận tải tổ chức quản lý, bảo trì đường thuỷ nội địa quốc gia; còn ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức quản lý, bảo trì đường thuỷ nội địa địa phương.
Tuy nhiên, tại Nghị quyết số 04, Chính phủ đã định hướng phân cấp một số nhiệm vụ quản lý, bảo trì đường thủy nội địa trên luồng đường thủy nội địa quốc gia cho địa phương thực hiện và giao Bộ Giao thông vận tải trong giai đoạn năm 2023-2025.
Nguồn: vneconomy.vn